DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TPHCM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TPHCM

Chào mừng các bạn đã ghé đến tham quan.
 
PortalTrang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
THÂN MỜI CÁC BẠN SINH VIÊN NÔNG LÂM THAM GIA DIỄN ĐÀN.

 

 Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 25
Join date : 09/07/2009

Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo Empty
Bài gửiTiêu đề: Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo   Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo I_icon_minitimeMon Jul 20, 2009 12:05 am

Tên bài báo: Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo
Ngày cập nhật: 8/7/2009
Nguồn tin: Khoa học phổ thông, 03/07/2009

Một luận văn cao học được thực hiện tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bắc Ninh) và bảo vệ trong khuôn khổ Trường đại học nông nghiệp I (Hà Nội) năm 2008, đã chứng minh loài tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii có xuất xứ từ Mỹ, không phá lúa, không đào hang đến mức nguy hiểm cho bờ ruộng và đê điều, có thể sinh sản và phát triển tốt ở Việt Nam. Ngoài ra, trong số những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo còn có loài tôm Úc Cherax quadricarinatus.

Theo Passer (2000), để nuôi thành công một loài động vật thủy sản nội địa, cần có thị trường, dễ cho đẻ, dễ quản lý chu kỳ đời sống, lớn nhanh, chịu được điều kiện dưới mức tối ưu, kháng bệnh, dễ thu hoạch, chịu được sự chật chội và tiếp xúc với con người, dễ đáp ứng về thức ăn (ăn tạp và ăn được thức ăn tổng hợp). Cá rô phi và một số loài tôm hùm nước ngọt như tôm Úc (Cherax quadricarinatusi) và tôm Mỹ (Procambarus clarkii) có những phẩm chất như thế.

Các loài tôm hùm nước ngọt này, gọi là crayfish hay crawfish trong bộ phụ Astacida, bộ Mười chân Decapoda, rất gần với các giống tôm hùm ở biển. Chúng là những giống giáp xác trung gian giữa tôm và cua, có vỏ dày, càng tương đối to, khi trưởng thành chỉ bò chứ không bơi, cư trú ở các thủy vực nội địa có nước chảy hoặc tĩnh, có thể sống đến vài ngày ngoài môi trường nước. Cần phải nói ngay rằng tôm đang được đề cập ở đây không phải tôm càng xanh và tại Việt Nam chưa hề được nuôi ở quy mô sản xuất.

Tôm Úc thuộc họ Parastacidae, sống tự nhiên ở vùng nhiệt đới nước Úc, với thức ăn chủ yếu là mùn, chất hữu cơ đang phân hủy, thực vật tươi, động vật không xương sống và cá; sau 6 tháng nuôi, có thể đạt khoảng 80 - 100 g, có con lớn hơn (con đực lớn nhanh hơn con cái nên thường được lựa để nuôi riêng).



Tôm Úc đực Cherax quadricarinatus ở mật độ 3 con/m2, sau 210 ngày đạt 135 g

Tôm Úc trưởng thành và sinh sản trong năm đầu. Tôm cái ôm phôi và tôm con. Sau hai lần lột xác tôm con mới tách ra sống độc lập. Trong nuôi bán thâm canh người ta sản xuất giống ngay trong ao đất. Thức ăn viên cho tôm Úc cần giàu chất có nguồn gốc thực vật, ít protein. Năng suất có thể đạt 4 - 8 tấn/ha.

Một nghiên cứu gần đây (Cortés - Jacinto et al., 2004) cho thấy nhu cầu protein thô cho tôm Úc tăng trưởng tốt nhất là 22 - 25%. Trong thí nghiệm thử gây bệnh mảng bám có xuất xứ từ tôm Mỹ cho thấy trên tôm Úc bệnh chỉ phát ở nhiệt độ 140C; ở 200C, một phần nhỏ tôm Úc bị bệnh nhưng không chết và trên 200C tôm Úc không nhiễm bệnh.

Tôm Úc được nhập nuôi ở Trung Quốc trong những năm 1990, được bán ở dạng sống cho các nhà hàng Hồng Kông và Đài Loan với giá 10 USD/kg. Tôm Úc còn được nhập vào Ecuador (1994), nơi nó được gọi là Langosta australiana. Tại Mexico, tôm Úc được nuôi bằng thức ăn của tôm, cá, lớn nhanh và đẻ nhiều lần trong năm. Nó còn được nhập vào Jamaica, các bang Bắc, Nam và Đông Nam Mỹ và Canada. ỞJamaica, tôm Úc hình thành những quần thể hoang dã được ngư dân bắt và bán với số lượng lớn. Một số trại nuôi tôm Úc đã được xây dựng ở Nam Phi. Tôm Úc còn được nhập vào một số nước Đông Nam Á, các đảo ở Thái Bình Dương và châu Phi.

Tôm Mỹ (họ Cambaridae), chủ yếu ăn mùn thực vật, đáng kể nhất là từ cây lúa, rơm, rạ, cỏ mục có nhiều vi sinh vật, nhưng thức ăn tốt nhất cho nó là động vật không xương sống. Tôm Mỹ là loài mắn đẻ, giao vĩ ngay trong ao nuôi. Con cái có nang lưu tinh, giữ tinh trùng sống từ vài tuần đến hàng tháng. Trứng đẻ ra được thụ tinh thành phôi dính ở bụng tôm cái. Tôm cái giữ phôi và ấu trùng cho đến khi tôm con lột xác được hai lần. Theo bản năng, tôm con có thể ở bên tôm cái vài tuần. Tôm đào hang và hang là chỗ ở của tôm cái ôm con cũng là nơi chúng sống qua mùa khô hạn. Số con trong một lứa của tôm Mỹ có thể đạt đến 500 con. Tôm cái có thể ăn thịt tôm con khi thiếu thức ăn trong hang.



Tôm Mỹ Procambarus clarkii (phía dưới) được nuôi ở bang Louisiana

Tôm Mỹ có thể bị bệnh mảng bám do nấm Aphanomyces astaci. Tuy nhiên tôm Mỹ và tôm Úc nuôi chung ở Hoa Kỳ không hề làm bùng phát bệnh này cũng như những bệnh khác.

Tôm Mỹ được nuôi nhiều nhất ở bang Louisiana với diện tích có lúc lên đến 52.000 ha. Tôm Mỹ được nhập vào châu Phi với mục đích ban đầu là để trừ các loài ốc, ký chủ trung gian một số bệnh ở người. Rất có thể nó là thiên địch tiềm tàng của ốc bươu vàng ở Việt Nam! Tôm Mỹ được nhập nội và hiện diện ở nhiều nước châu Phi (Kenya, Uganda, Zambia) nhưng không được nuôi mà sống tự nhiên trong những quần thể hoang dã. Ở Kenya tôm Mỹ được bắt ở hồ Naivasha để xuất khẩu sang châu Âu.

Tại sao là vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo?

Edgerton trong bài báo đăng trên tờ Nuôi trồng thủy sản thế giới sau khi đưa ra bảng phân tích mặt mạnh mặt yếu, cơ hội và nguy cơ khi đưa tôm nước ngọt vào chương trình để phát triển nông thôn.

Mặt mạnh: giá trị cao, có thị trường để thu ngoại tệ; quần thể tự sinh sản, không cần trại giống trung tâm; cường tráng; thích hợp với nhiều hệ thống canh tác; có thể dễ dàng vận chuyển sống bằng tàu thủy đến thị trường; đề kháng bệnh tật; có thể tự sản xuất tôm sạch bệnh đặc hiệu với trang bị đơn giản.

Mặt yếu: thông tin về bệnh còn hạn chế; thiếu hạ tầng cơ sở ở nội địa. Quan niệm không đúng cho rằng nó thiếu thị trường và cho lợi nhuận thấp. Cơ hội: thị trường đang phát triển, thêm công ăn việc làm; sử dụng được phụ phẩm; có thể nuôi ghép và canh tác tổng hợp; tạo đàn tôm sạch bệnh đặc hiệu.

Nguy cơ: rào cản thương mại của các nước phát triển; khuyến khích thái quá; hệ quả sinh thái và kinh tế xã hội của việc hình thành những quần thể hoang dã; cung cấp con giống chất lượng thấp cho công nghiệp; bệnh (kể cả bệnh mảng bám) do nhập tôm Mỹ.

Đừng quá dè dặt

Từ bài học ốc bươu vàng, các nhà sinh thái học nước ta có thể e ngại những hệ quả không mong muốn của việc nhập tôm hùm nước ngọt nguyên gốc từ Mỹ và Úc. Nếu quả đúng là tôm Mỹ ăn ốc và có thể ăn cả ốc bươu vàng thì đây sẽ là một cuộc đấu tranh sinh học có thể mang lại lợi ích gấp đôi. Tập tính đào hang của tôm Mỹ là không đáng ngại vì chúng tập trung đào hang vào mùa khô hạn và hang làm ở bờ, sát mặt nước nên có thể kiểm soát. Mặt khác cua đồng của nước ta cũng đào hang nhưng thiệt hại do chúng mang lại là không đáng kể. Tôm Úc thì không đào hang và thích hợp cho mọi hình thức canh tác, từ quảng canh đến thâm canh, và còn là đối tượng đánh bắt của ngư dân ở những nơi chúng hình thành các quần thể hoang dã.

Quả là thế giới chưa biết nhiều đến bệnh của các loài tôm nói trên nhưng người ta có nhận xét chung là các loài này khỏe mạnh và đề kháng bệnh tốt. Bệnh mảng bám ở tôm Mỹ không phát triển ở tôm Úc trong điều kiện quanh năm ấp áp như ởNam bộ.

Điều nhiều người lo nhất là đầu ra. Hiện nay Trung Quốc sản xuất tôm Úc nhiều hơn Ecuador nhưng toàn bộ được tiêu thụ ở dạng sống tại Hồng Kông và Đài Loan với giá 10 USD/kg. Nhà hàng hải sản ở hai lãnh thổ này thường xuyên liên hệ với nhà sản xuất tôm Úc ở Australia để hỏi họ có đủ sức cung ứng một số lượng mà trên thực tế tương đương toàn bộ mặt hàng này của Australia hay không! Nhu cầu về tôm Úc còn xa mức bão hòa! Mặt khác tại Nhật, Mỹ cũng đang hình thành thị trường. Hơn nữa việc đầu tư cho nhập nội và nuôi thử không lớn nên rủi ro sẽ nhỏ.

Tiến trình xóa đói giảm nghèo được chia làm ba giai đoạn: xóa đói (an toàn thực phẩm), giảm nghèo và tích lũy của cải. Tôm càng nước ngọt thích hợp cho cả ba giai đoạn, còn thích hợp hơn cả cá rô phi.

Rủi ro khi nào cũng có. Cần chuẩn bị thật kỹ cho những bước đi thích hợp nhưng đừng quá dè dặt để bỏ qua cơ hội.

MAI CHI

Nguồn:agriviet.com
Về Đầu Trang Go down
https://nonglam.forumvi.com
 
Những vật nuôi lý tưởng để giảm nghèo
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TPHCM :: GÓC HỌC TẬP :: THUỶ SẢN :: Tài liệu tham khảo-
Chuyển đến